Vì sao bé sút cân và chậm mọc răng

Bé trai nhà em bữa nay đã 9 tháng tuổi nhưng vẫn chưa mọc răng, em xem các triệu chứng thiếu canxi nhưng thấy bé ngủ cũng không toát mồ hôi đầu, bé vẫn bò bình thường và đang bám đồ vật để đứng, bác sĩ cho em biết có nguyên nhân nào nữa làm bé mọc răng chậm không? Bé ăn 1 ngày 3 bữa cháo say, sữa chua ( hoặc váng sữa, phô mai) và trái cây nhưng lại xuống 0.5kg (hiện tại chỉ còn 8kg). Bác sĩ xem giúp em bé như vậy có thiếu cân không, phải bổ sung dinh dưỡng như thế nào cho bé tăng cân. Bác sĩ tư vấn giúp em nhé , cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

(Phạm Thị Phương Trang- Tp. HCM)

 

Answer

Vì sao bé sút cân và chậm mọc răng

Trả lời :

Bạn Phương Trang thân mến.

Bé 9 tháng chưa mọc răng điều này cũng không đáng lo ngại lắm. Có thể là bé chỉ mọc răng chậm. Nhiều bé thường mọc răng chậm mà lại không phải do bị còi xương ( vì không có biểu hiện còi xương giống bé con em), nhưng răng không mọc được là do cách cho ăn, hiện nay nhiều bà mẹ thường lạm dụng cối xay sinh tố nên thường nấu 1 nồi cháo cho các thực phẩm vào nấu chín rồi xay nhuyễn cho con ăn, như vậy gọi là “ăn cháo” nhưng thực ra chỉ là “ nuốt cháo ” một cách thụ động.

Cách ăn này dễ gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ, nếu kéo dài sẽ dẫn đến chậm tăng cân , suy dinh dưỡng, hoặc có nhiều bé phàm ăn chỉ nuốt thụ động vì vậy không kiểm soát được no, đói nên dẫn đến thừa cân, béo phì. Một tác hại nữa là khi bé ăn cháo xay nhuyễn nên không nhai vì thế sẽ không tiết được dịch tiêu hóa , men tiêu hóa như vậy sẽ không hấp thu , tiêu hóa thức ăn tốt. Đồng thời sẽ ảnh hưởng đến hàm răng, làm cho răng mọc chậm , hàm răng không chắc khỏe, nhiều bé ngậm thức ăn lâu nên dễ gây nên sâu răng sớm. Nhiều bé mọc răng chậm là do nướu cứng quá làm răng không trồi lên được .

Với tình trạng của bé hiện nay, để biết bé có chậm mọc răng hay còi xương, mẹ cần xem bé đã có mầm răng chưa, nếu thấy nướu răng cứng, có chân răng ở trong nướu nổi lên như vậy bé đã có mầm răng nhưng do nướu răng cứng ( lợi cứng), bé lại không biết nhai vì thế răng không trồi lên được, trong trường hợp này, để làm mềm nướu và kích thích răng mọc nhanh , bằng cách hàng ngày khi vệ sinh răng miệng cho bé, mẹ dùng khăn mềm nhúng nước ấm trà sát nướu 1-2 lần / ngày.

Không nên xay nghuyễn thức ăn mà tập cho bé biết cách nhai, đảo và nuốt thức ăn, điều này cần tập sớm ngay từ khi trẻ ăn bổ sung. Trong trường hợp bé chưa có mầm răng thì có thể do bé bị còi xương làm cho răng mọc chậm. Biểu hiện còi xương, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của trẻ để có các biểu hiện như răng mọc chậm, chậm biết ngồi, biết đứng, biết đi, biếng ăn, táo bón….

Trong trường hợp bé bị còi xương thì cần cho bé uống bổ sung vitamin D, vì chủ yếu trẻ nhỏ còi xương là do thiếu vitamin D, liều bổ sung tùy thuộc vào mức độ còi xương có thể từ 1000 đơn vị – 2000 đơn vị/ ngày ( 3 – 4 giọt Aquadextrim- vitamin D 3), khi uống vitamin D liều điều trị cần cho bé uống thêm canxi 300- 500mg/ ngày, uống trong 4 – 8 tuần và theo dõi các biểu hiện còi xương, nếu tình trạng được cải thiện, bé đã mọc răng thì có thể giảm liều xuống 1- 2 giọt Aquadetrim / ngày nên duy trì cho đến khi bé biết đi. Ngoài ra để phòng còi xương nên cho bé tắm nắng và vận động vui chơi ngoài trời thường xuyên.

Chế độ ăn của trẻ 9 tháng: bé vẫn tiếp tục được bú sữa mẹ, nếu mẹ ít sữa, hoặc đi làm không điều kiện cho bú cho bé ăn thêm sữa ngoài ( sữa công thức, sữa chua, váng sữa, fomai…). Ăn 3 bữa cháo ( mỗi bữa 200ml), và 2-3 bữa hoa quả ( chuối, đu đủ, xoài, nước cam. Quýt …).Thường ở tháng tuổi này, nếu bé được ăn uống đúng, không bị ốm thì trung bình tăng 300- 400g/ 1 tháng, bé không tăng cân lại sụt cân, mẹ cần xem lại trong tháng vừa qua bé có bị bệnh không, chế độ ăn của bé đã đủ chưa, bé có bị rối loạn tiêu hóa không. Khi biết được các nguyên nhân thì sẽ có biện pháp khắc phục.

Nhiều bé tuy ăn đủ về số lượng nhưng thiếu về chất lượng, hoặc số bữa ăn thì đủ nhưng lượng ăn ít, khẩu phần ăn sẽ thiếu năng lượng như vậy cũng không tăng cân. Hoặc nhiều bé chế độ ăn đủ về số lượng , chất lượng nhưng do bé không hấp thu tiêu hóa tốt các chất dinh dưỡng ( táo bón, phân sống…), hoặc có bé do vận động quá mức ( hiếu động ) cũng ảnh hưởng đến việc tăng cân.

Với bé 9 tháng lượng thực phẩm trong ngày :

  • Gạo nấu cháo 100 g, nếu nấu bột thì 5 thìa cà phê bột gạo ~ 25- 30g/ bát bột .
  • Thịt hoặc tôm , cá : 90 g ( 30 g/ bát ), một tuần ăn 3- 4 quả trứng gà, 1- 2 bữa cua, lươn.
  • Dầu ăn ( mỡ) : 30 g/ ngày ~ 6 thìa cà phê loại 5 ml ( 2thìa/ bữa).
  • Rau xanh ( rau củ) : 60 g/ ngày. ( 2 thìa / bữa)
  • Hoa quả chín : 100 g/ ngày

Để có đủ chất dinh dưỡng, nên đa dạng thực phẩm từ 4 nhóm , thường xuyên thay đổi thực phẩm trong mỗi bữa ăn tránh không nên cho bé chỉ ăn 1 loại thực phẩm trong cả ngày. Tăng cường các thực phẩm có nhiều canxi, sắt, kẽm ( thịt , tôm, cua, cá, trứng, sữa….) Chế biến hợp khẩu vị để kích thích bé ăn ngon.

Để bé tăng cân nhanh, có thể tăng năng lượng trong chế độ ăn bằng cách tăng thêm ½ thìa cà phê dầu ăn trong mỗi bát bột cháo, như vậy, năng lượng tăng thêm được 50- 60 Kcalo/ ngày, tương đương gần 1 bát bột. Chất béo (dầu , mỡ) ngoài cung cấp năng lượng, còn làm cho bát cháo, bột mềm, giúp trẻ dễ nuốt, tạo cảm giác ngon miệng lại làm tăng chuyển hóa, hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vtamin A, D. E.

Mẹ nên theo dõi cân nặng, chiều cao hàng tháng để biết sự phát triển của bé và qua đó xem chế độ ăn đã phù hợp chưa. Bé trai 9 tháng, nặng 8 kg so với chuẩn tăng trưởng thì bé bị thấp cân, tháng tuổi này bé có cân nặng trung bình 9kg, cao 72 cm . Trong trường hợp răng không mọc được do nướu răng dày, cứng nên cho bé đi khám nha khoa có thể phải trích để cho răng mọc

Chúc chị và cháu luôn vui khỏe .